Ảnh hưởng của việc ô nhiễm Asen đến con người
- Asen là nguyên tố tự nhiên, có mặt ở khắp mọi nơi như trong không khí, đất, thức ăn, nước uống và có thể xâm nhập vào cơ thể theo 3 đường: hô hấp, da và chủ yếu là ăn uống. Các hợp chất dễ tan của Asen hấp thụ qua đường tiêu hóa vào máu tới 90% và ra khỏi máu đến các tổ chức rất nhanh, nửa giờ sau khi tiếp xúc đã tìm thấy các liên kết của Asen với protein ở gan, thận, bàng quang, sau 24h, trong máu chỉ còn lại 0,1%. Asen đào thải chủ yếu là qua nước tiểu.
Nhiễm độc Asen cấp tính xảy ra do ăn uống phải Asen với liều lượng lớn 1 – 2g. - Các nghiên cứu cho thấy triệu chứng nhiễm độc rất đa dạng, phụ thuộc vào hợp chất Asen đã ăn phải. Có thể gặp các biểu hiện tổn thương thận, rối loạn chức năng tim mạch, đôi khi xuất hiện phù phổi cấp, suy hô hấp, gan to… Nếu được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân có thể sống sót, nhưng để lại các di chứng nặng nề về não, suy tủy, suy thận, thiếu máu, giảm bạch cầu, tan huyết, xạm da và tổn thương đa dây thần kinh ngoại biên.
- Nhiễm độc Asen mạn tính thường xảy ra do người dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm Asen với nồng độ cao quá mức cho phép. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới về ô nhiễm Asen trong nguồn nước, nồng độ Asen trong nước giếng khoan ở khu vực Nam Iowa và Tây Missouri của Mỹ dao động từ 0,034-0,490mg/l; ở Hungary, dao động từ 0,001- 0,174mg/l, trung bình là 0,068mg/l; ở khu vực Tây-Nam Phần Lan khoảng 0,017- 0,98mg/l; Mexico: từ 0,008- 0,624mg/l, có tới 50% số mẫu có nồng độ Asen >0,050mg/l.
- Mức độ ô nhiễm Asen trong nước ngầm ở các nước châu Á trầm trọng hơn, nồng độ Asen trung bình trong nguồn nước ngầm ở Tây Nam Đài Loan là 0,671mg/l. Ở Tây Bengal Ấn Độ nồng độ Asen trung bình trong nước giếng khoan của các quận dao động từ 0,193 đến 0,737 mg/l, có mẫu lên tới 3,700 mg/l.
- Bệnh nhiễm độc Asen mạn tính do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm Asen arsenicosis xảy ra ở nhiều nước trên thế giới và mang tính dịch tễ địa phương rõ rệt. Số bệnh nhân được phát hiện ngày càng nhiều ở các nước như: Chile, Argentina, Mexico, Mỹ, Canada, Nga, Hungari, Bungari, Phần Lan, Newdilan…
- Và gần đây, ở hàng loạt các nước châu Á như: Mông Cổ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippine, Lào, Campuchia, nghiêm trọng hơn cả là ở Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc. Ước tính tại châu lục này có trên 200 triệu người sử dụng nước ngầm bị nhiễm Asen có nguy cơ mắc bệnh. Riêng tại Bangladesh khoảng 30-36 triệu người bị bệnh. Vùng Tây Bengal, Ấn Độ có tới trên 6 triệu người bệnh.
- Biểu hiện bệnh gây ấn tượng mạnh nhất là hình ảnh Bàn chân đen tìm thấy đầu tiên ở Đài Loan năm 1920. Nguyên nhân gây bệnh là do dân cư sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen cao 0,35-1,10mg/l từ các giếng khoan để sinh hoạt. Tỷ lệ mắc bệnh này tăng dần vào cuối những năm 1950 và đến năm 1960 trở thành đại dịch Bàn chân đen. Nghiên cứu dịch tễ học tại các khu vực bị ô nhiễm cho thấy, Asen còn gây hàng loạt các bệnh nội khoa khác như: gây tăng huyết áp, viêm tắc mạch ngoại vi, bệnh mạch vành, mạch máu não dẫn đến thiếu máu cục bộ cơ tim và não là những cơ quan đảm nhận các chức năng sống quan trọng. Nguy cơ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim tăng cao được báo cáo trong các nghiên cứu tại Đài Loan và Bangladesh. Nguy cơ mắc bệnh viêm tắc mạch ngoại biên tăng theo thời gian tiếp xúc với Asen ngay ở nồng độ > 0,02mg/l.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, do Asen gây tác hại rộng tới chức năng của nhiều hệ cơ quan: thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, hô hấp… Mức độ tổn thương phụ thuộc vào độ nhạy cảm của từng cá thể, vào liều lượng và thời gian tiếp xúc. Quá trình phát triển bệnh âm ỉ, kéo dài. Ở giai đoạn sớm thường tìm thấy các tổn thương da, các triệu chứng hay gặp như: biến đổi sắc tố da pigmentation, dày sừng hyperkeratosis ở lòng bàn chân, bàn tay, đối xứng 2 bên, đôi khi kèm theo các vết nứt nẻ Xem ảnh. Các tổn thương có thể tiến triển thành ung thư da. Những biểu hiện bệnh này được đề cập tới trong hầu hết các nghiên cứu tiến hành ở cộng đồng dân cư tại các khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm asen. Nguy cơ bị mắc bệnh tăng ngay cả khi uống nước có nồng độ Asen < 0,05 mg/l. Bệnh thường phát triển sau khi tiếp xúc một khoảng thời gian dài ủ bệnh 5-10 năm, có thể lâu hơn. - Ngoài ra, Asen còn có thể làm tổn thương thần kinh, ảnh hưởng đến việc sinh sản ở phụ nữ và tăng nguy cơ mắc bệnh xơ gan, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa protein và đường. Điều đáng lo ngại nhất là Asen còn có thể gây ung thư da, phổi, bàng quang, thận. Nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng theo thời gian tiếp xúc. Theo thống kê của Trung tâm Ung thư quốc gia ở Đài Loan, tỷ lệ mắc bệnh ung thư bàng quang tại 4 khu vực bệnh Bàn chân đen năm 1993 là 23,5.10-5 so với tỷ lệ của toàn quốc là 2,29.10-5. Tỷ lệ ung thư da và chết do ung thư da từ 14,01.10-5 – 32,41.10-5. Cơ chế gây ung thư của Asen cho tới nay vẫn chưa rõ. Tuy vậy, các kết quả nghiên cứu thực nghiệm đều cho thấy Asen thúc đẩy quá trình phát triển khối u, làm rối loạn quá trình tổng hợp ADN, đặc biệt là trong các nguyên bào sợi và các tế bào tủy xương dòng bạch cầu, làm giảm số lượng bạch cầu lympho ngoại vi, thay đổi khả năng miễn dịch và làm giảm sức đề kháng của cơ thể chống lại tế bào ung thư.
- Mặt khác, Asen còn có khả năng làm rối loạn gen, sai lạc nhiễm sắc thể, sai lệch trao đổi nhiễm sắc tử chị em, làm gẫy nhiễm sắc tử và nhiễm sắc thể, gây tăng tần số sinh sản của nhân và hiện tượng lệch bội.
- Nghiên cứu phân tích hàm lượng Asen trong tóc cho thấy có sự tương đồng giữa các vùng ô nhiễm nước ngầm bởi Asen.
Liên hệ 288 Hòa Bình – Để được tư vấn và sử dụng giải pháp xử lý nước nhiễm Asen cho công trình: 0912346628.